Thực hiện theo lời khuyên của các giáo viên mầm non giàu kinh nghiệm, bố mẹ sẽ không quá vất vả trong thời gian đầu gửi trẻ đi học.
Chuẩn bị tâm lý cho con
Dù chưa đủ lớn để hiểu hết ngọn ngành, nhưng trẻ ở độ tuổi đi mẫu giáo cũng đã biết lắng nghe và tiếp nhận phần nào những lời trò chuyện, giải thích của bố mẹ về các sự vật, sự việc xung quanh. Đề cập đến việc bố mẹ cần làm gì ngày đầu gửi con đi học:
“Ngay từ khi có ý định bắt đầu gửi trẻ đi học, bố mẹ nên chủ động trò chuyện, giải thích để con hiểu đã đến lúc mình cần làm quen với môi trường mới. Bố mẹ có thể lấy ví dụ về các bạn đã đi mẫu giáo, kể cho con nghe chuyện ở lớp được chơi những gì, cô dạy ra sao, chiều mẹ lại đón về nhà… Mặc dù các giáo viên mầm non vốn đã có những biện pháp riêng đối với trẻ mới vào lớp, nhưng việc gia đình chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho con vẫn rất cần thiết để giúp trẻ tự tin và mạnh bạo hơn khi vào lớp”.
Nếu có thể thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám sức khỏe tổng thể trước khi gửi con đi mẫu giáo. Đối với những trẻ mắc bệnh tim hay một số bệnh về thần kinh, cha mẹ cần phát hiện sớm và trao đổi trước với giáo viên quản lý lớp để các cô lưu ý và chủ động hơn khi cần xử lý các tình huống phát sinh.
Ngoài ra, các hiểu hiện thông thường như ốm, sốt nếu có chủ yếu là do sức đề kháng của trẻ và không có gì đáng lo ngại. Trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh và dễ ốm vặt. Khi đi học, bé sẽ bước vào một môi trường hoàn toàn mới, được tập dần những thói quen sinh hoạt mới nên cũng cần thời gian để thích nghi.
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, nhiều phụ huynh thường lựa chọn thời điểm bắt đầu gửi con vào mùa hè hoặc thu. Thời điểm này, thời tiết không quá lạnh hay mưa nhiều, việc đưa đón bé đi về cũng không quá vất vả và ít ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hơn.
Chọn trường “nhất cự ly”
Việc chọn trường học cho con cũng từng khiến không ít ông bố, bà mẹ trẻ đau đầu. Về tiêu chí lựa chọn, ngoài chất lượng dạy và học cũng như mức phí hàng tháng, nhiều bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến địa điểm trường học. Thông thường, để sinh hoạt gia đình ít bị xáo trộn nhất thì các gia đình sẽ chọn gửi trẻ gần nhà hoặc gần nơi làm việc của người lớn.
Nếu chọn trường học gần cơ quan bố hoặc mẹ, khi tan làm phụ huynh có thể đón con sớm, bé sẽ không phải chờ đợi suốt quãng thời gian tắc đường, kẹt xe của bố mẹ. Việc qua đón con khi có việc đột xuất cũng nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, bé sẽ phải đi cùng bố mẹ một quãng đường dài, dễ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, khá bất tiện khi thời tiết nắng mưa thất thường.
Gửi con gần nơi ở, cả bố và mẹ đều có thể chủ động thay nhau đưa đón con thay vì chỉ cố định một người. Hạn chế thời gian đi ngoài đường, trẻ cũng ít phải tiếp xúc với khói bụi hơn, tránh được nguy cơ ốm, sốt và không phải mệt mỏi vì dậy quá sớm đi học. Ngoài ra, việc cho con đi học gần cũng giúp bố mẹ yên tâm hơn phần nào trước những tin đồn về rất nhiều chiêu trò dàn cảnh bắt cóc trẻ em trên đường.
Không nuông chiều cho con nghỉ học tự do
“Những ngày đầu cho trẻ đi học, phụ huynh thường rất thương con, sợ con tủi thân, muốn đón sớm hoặc thỉnh thoảng cho trẻ nghỉ tự do. Tuy nhiên, chính sự thỏa hiệp dễ dàng với những mong muốn của trẻ sẽ tạo cho trẻ thói quen ‘ăn vạ’, khiến trẻ nghĩ cứ khóc lóc sẽ dễ được nghỉ học, dẫn đến kéo dài thời gian trẻ làm quen với trường lớp hơn bình thường.
Theo tôi nghĩ, những buổi đầu bố mẹ có thể đón con sớm hơn đôi chút nhưng vẫn trong khung giờ quy định của nhà trường, thường là tầm 4 giờ chiều, và hạn chế cho con nghỉ học chỉ vì lý do con tủi thân, nhớ mẹ…”
Ở một số trường mầm non tư thục, quy định về giờ giấc đưa đón trẻ thường không quá khắt khe. Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên sốt ruột đón con quá sớm. Trẻ có quấy khóc một vài ngày đầu cũng là những biểu hiện thông thường và không có gì quá nghiêm trọng.
Để trẻ bớt sợ đi học, phần lớn các phụ huynh vẫn thường truyền nhau kinh nghiệm đón con sớm hơn các bạn, và dành thời gian cho con ở lại chơi thêm các trò chơi vận động bên ngoài lớp học như cầu trượt, đu quay, bập bênh… Trẻ sẽ có ấn tượng tốt hơn với việc đi học và sẵn sàng cho những ngày tiếp theo.
Chia sẻ kinh nghiệm cho con đi học không quấy khóc, chị Lan, phụ huynh bé Hải Yến – học sinh trường mầm non Ban Mai Xanh – cho biết: “Mỗi dịp có thời gian rảnh, tôi thường ở lại chơi cùng con một lát ở trường để con được thoải mái vận động, vui chơi. Không rõ có phải nhờ vậy hay không, nhưng từ ngày bắt đầu đi học khi mới 2 tuổi, bé đã rất hợp tác và bạo dạn, không có chuyện quấy khóc, sợ đi học như tôi tưởng”.